Theo Báo Vnexpress Bán sản phẩm tốt, mô tả rõ ràng, phản hồi kịp thời, niềm nở khi trao đổi, luôn có ưu đãi, hậu mãi tốt… sẽ giúp các shop xây dựng được uy tín với người mua.
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Tăng tốc bán hàng online – Chiến lược lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” vừa diễn ra tại TP HCM cuối tuần qua, ông Trương Gia Bảo – Giám đốc Kinh doanh Sendo.vn cho rằng sai lầm của các chủ shop là chỉ tập trung vào quảng cáo và khuyến mại “ảo” mà bỏ qua việc tối ưu quy trình kinh doanh.
Theo ông, các shop tham gia thương mại điện tử phải nhận thức được mức độ cạnh tranh khốc liệt khi bán hàng trên mạng, nơi mà khách hàng dễ dàng so sánh giá cả với sản phẩm khác và so sánh uy tín của các shop với nhau.
“Nhiều gian hàng trực tuyến rất chú trọng đến quảng cáo nhưng lại quên mất việc làm mới mình và gia tăng sức mạnh nội tại. Cách làm này giống như việc chúng ta chăm chăm quảng bá cho những sản phẩm chưa tốt, điều này đương nhiên sẽ không hiệu quả”, ông Bảo nhấn mạnh.
Để có thể cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử, Giám đốc Kinh doanh Sendo.vn cho rằng đầu tiên shop cần tăng cường sức mạnh nội tại. Cụ thể đảm bảo từ việc đăng sản phẩm chất lượng tốt, mô tả sản phẩm rõ ràng, chi tiết. Khâu bán hàng cần phản hồi thông tin kịp thời, niềm nở khi trao đổi, luôn có ưu đãi cho khách hàng, có chính sách sau bán hàng tốt… Khi làm tốt những điều này, các shop sẽ xây dựng được uy tín với người mua cũng như sàn thương mại điện tử.
Khác với hành vi mua hàng truyền thống, khách hàng trực tuyến sẽ rất nhanh quên các thông tin về shop online. Điều này khiến đa số cửa hàng gặp khó khăn trong việc tạo doanh thu lũy tiến vì phải đầu tư liên tục tìm người mua mới.
“Cần lưu thông tin khách hàng bằng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, sử dụng làm nguồn dữ liệu để truyền thông khi có sản phẩm và sự kiện mới. Quan trọng không kém là nên để lại thông tin shop bằng danh thiếp và trên các bao bì sản phẩm”, ông Bảo nói.
Còn ông Trần Trọng Tuyến – CEO DKT, đơn vị sở hữu nền tảng bán hàng online, nhận xét để một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đạt 500 đơn hàng một ngày không hề khó. Nhiều doanh nghiệp và thậm chí cá nhân có thể đạt mục tiêu này nhờ nắm bắt các hot trend (xu hướng), nhập lượng hàng lớn, quảng cáo tràn ngập trên Facebook. Bán hết hàng thì xóa Fanpage, xóa luôn hotline và tìm một hot trend mới.
“Tuy nhiên, chính điều này khiến hình ảnh bán hàng qua mạng tại Việt Nam trở nên xấu đi trong mắt khách hàng. Xóa hotline, không bảo hành sản phẩm… có thể coi như một hình thức lừa đảo người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến nền thương mại điện tử còn non trẻ. Vì thế làm thế nào để có thật nhiều đơn hàng nhưng bền vững mới là điều mà các đơn vị kinh doanh đáng lưu tâm”, ông Tuyến phân tích.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tuyến đưa ra các bước xây dựng chiến lược kinh doanh online như định vị thương hiệu, tối ưu hệ thống kênh bán (giúp giảm nguồn lực, tăng năng suất), xây dựng blog riêng (để giao tiếp và tạo ra nhu cầu cho khách hàng) chăm sóc và bán sản phẩm cho chính khách hàng cũ (tăng uy tín, duy trì kinh doanh bên vững).
Trong khi đó, ông Lê Công Long – Giám đốc phát triển sản phẩm của ứng dụng thanh toán Moca chỉ ra rằng, một trong những tồn tại của thương mại điện tử Việt Nam là khâu thanh toán bằng COD (Cash on Delivery – nhận tiền mặt). Theo số liệu ông Long đưa ra, tỷ lệ thanh toán thông qua các ứng dụng online hiện chỉ đạt 7%, còn con số dùng COD chiếm hơn 64%.
“Chính việc chọn hàng online nhưng thanh toán bằng tiền mặt làm cho chu trình thương mại điện tử trở chưa hoàn thiện, không đáp ứng được sự tiện lợi mà mô hình này đáng ra phải mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. COD có rủi ro cao, thanh khoản chậm nhưng lại được dùng nhiều đang là nghịch lý trên thị trường”, ông Long cho hay.
Do đó, doanh nghiệp kinh doanh online phải là người đi trước, chủ động tích hợp nhiều phương án thanh toán trực tuyến để hướng dẫn người tiêu dùng làm quen. Chỉ khi nào giảm được tỷ lệ tiêu dùng tiền mặt thì hệ thống thương mại điện tử mới trở nên hoàn chỉnh và đem lại lợi ích tối đa cho xã hội.